21/10/2022 - Đăng bởi : Méo Shop
Kể từ khi được 'cách mạng hóa' bởi Issey Miyake vào thập niên 80, các kết cấu xếp ly mới liên tục được trình làng mỗi mùa thời trang, được ưu chuộng bởi những nhà mốt hàng đầu như Chanel, Dior, Iris Van Herpen...
Thực chất, những đường xếp nếp tinh tế chưa bao giờ dậm chân tại chỗ mà liên tục tiến hóa từ khi xuất hiện lần đầu thời Ai Cập cổ đại. Do kỹ thuật phức tạp và tốn thời gian nên trang phục xếp ly ban đầu chỉ dành cho hoàng gia, trải qua một quá trình phát triển lâu dài với những đột phá về công nghệ kỹ thuật, những đường xếp nếp nay đã gần gũi với công chúng hơn bao giờ hết. Ngày nay, điểm hấp dẫn của những nếp gấp không chỉ nằm ở vẻ ngoài tinh tế mà còn nằm ở tiềm năng sáng tạo vô tận, được mỗi nhà mốt khai thác theo nhiều cách khác nhau. Sau đây, hãy cùng điểm lại những cột mốc và tác phẩm quan trọng trong lịch sử kỹ thuật xếp ly.
Bức hình chụp Marilyn Monroe diện váy xếp ly năm 1954. Với danh tiếng lẫy lừng của nữ minh tinh, bức ảnh mau chóng nổi tiếng và một cách ngẫu nhiên, chiếc váy xếp ly trắng trở thành biểu tượng một thời của sự gợi cảm, sang trọng
Xếp ly - Biểu tượng của hoàng tộc
Những nếp gấp trên vải vóc luôn toát lên một sự sang trọng, mềm mại và chưa bao giờ lỗi thời trong thế giới thời trang. Có 2 yếu tố tạo nên sự hấp dẫn vượt thời đại của các thiết kế xếp ly: sự tinh tế, chỉn chu trong từng nếp gấp và những đòi hỏi vô cùng gay gắt đối với người nghệ nhân. Kỹ thuật xếp ly không dậm chân tại chỗ, mà nó đã trải qua nhiều thay đổi, phát triển và tiến hóa dưới bàn tay những nghệ nhân. Tuy không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của công nghệ để tạo nên các tác phẩm xếp ly tiện lợi, đương đại, nhưng chính sự khéo léo, tỉ mỉ của người nghệ nhân đã, và sẽ luôn là cốt lõi tạo nên những nếp gấp tinh xảo nhất.
Các nghiên cứu cho thấy rằng Ai Cập cổ đại là nơi kỹ thuật xếp ly lần đầu xuất hiện, thông qua các bức phù điêu cổ và phục trang của hoàng gia Ai Cập mà giới khảo cổ đã phát hiện được. Ngoài ra, ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy rằng giai cấp và địa vị xã hội thời đó được thể hiện qua quần áo họ mặc. Tuy nhiên, “Không ai biết chính xác cách người Ai Cập cổ xếp li vải lanh,” theo Bảo tàng Hoàng gia Ontario, ‘Có 2 cách được ủng hộ nhiều nhất: Tấm vải được gấp lại, tạo hình như một chiếc đàn accord, sau đó lấy dây buộc rồi làm ướt. Sau khi khô, người thợ chỉ cần tháo dây buộc ra và tấm vải sẽ xuất hiện những đường xếp ly. Một khả năng khác là người xưa đã bôi một loại keo dán lên vải, sau đó đặt lên ván gỗ có rãnh rồi lấy một công cụ chức năng như bàn ủi đá ép lên để tạo nếp.’ Có lẽ vì quá trình thực hiện tốn thời gian và phức tạp như vậy nên trang phục xếp ly chỉ dành cho cư dân cấp bậc thượng lưu, và từ đó hình thành nên quan điểm rằng quần áo xếp ly là biểu tượng của sự xa xỉ. Phần cổ xếp nếp (the ruff) của giới Hoàng tộc Anh thế kỷ 16 là một ứng dụng tiêu biểu khác của kỹ thuật xếp ly. Chúng thường mỏng manh đến mức phải được bảo quản trong hộp chuyên dụng và thường sẽ bị biến dạng chỉ sau một lần mặc.
Váy xếp ly ‘Delphos’: Nguồn cảm hứng từ nghệ thuật cổ
Váy Delphos đỏ nguyên bản (Hình: Riad Family Collection)
Váy 'Delphos' bản tái tạo được trưng bày trong triển lãm 'Fortuny, a Spaniard in Venice' hồi năm 2017 ở Bảo tàng Palais Galliera, Paris
Váy 'Delphos' xanh dương bản tái tạo được nàng thơ Michelle Dockery diện trong bộ phim Downton Abbey (2019)
Quá trình xếp ly thủ công đương đại
Cho đến nay, vẫn chưa có ai, trong đó có cả Fortuny sau khi ông hoàn thành tác phẩm của mình, có thể sao chép y nguyên kỹ thuật xếp ly thủ công đã tạo ra váy ‘delphos’. Sự đột phá của nhà thiết kế người Tây Ban Nha cũng đã ảnh hưởng và góp phần giúp thế giới thời trang chú ý nhiều hơn đến những nếp gấp. Sau ông, các nghệ nhân và bậc thầy xếp ly khắp châu Âu liên tục cải tiến và phát triển những kỹ thuật mới. Trong đó đáng chú ý có studio nổi tiếng, Atelier Lognon tại Paris - một xưởng dập ly lâu đời được sáng lập từ năm 1853 và sau này được Chanel mua lại năm 2013.
‘Xếp ly chính là điêu khắc phục trang,’ Leopoldine Pataa, một nghệ nhân tại xưởng chia sẻ. Quá trình dập ly tại xưởng Lognon bắt đầu với việc xếp tấm vải vào giữa hai lớp khuôn giấy kraft có kết cấu tinh xảo. Sau đó, người nghệ nhân đặt tất cả vào lò hấp hơi để khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, tùy theo loại vật liệu, trước khi cẩn thận lấy khuôn ra khỏi lò nhằm đảm bảo không làm tổn hại kết cấu tấm vải bên trong. Ví dụ, đối với kết cấu xếp ly sunburst (xếp ly dạng tia)- thường thấy ở các loại váy loe, - hai lớp khuôn carton được trải xòe ra trên bàn lớn như 2 chiếc quạt khổng lồ, kẹp ở giữa là tấm vải. Mỗi loại xếp ly đều có các loại khuôn được thiết kế riêng. “Gerald-George Lognon - người chủ cuối cùng của xưởng trước khi được Chanel mua lại - thường nói rằng bằng kỹ thuật xếp ly, ta có thể thổi sự quý phái vào tấm vải vóc, là một nghệ thuật tinh xảo tương tự như origami, với mỗi đường xếp sẽ tạo ra một hiệu quả hoàn toàn khác nhau,” Tờ Fashion Network từng viết. “Lognon đã sáng tạo ra một vài kỹ thuật xếp ly đặc trưng của riêng mình, còn xưởng của ông tính đến nay có hơn 2,500 loại khuôn dành cho 2,000 kiểu dập ly khác nhau.”
Issey Miyake và sự giao thoa giữa xếp ly với công nghệ
Xếp ly ngày nay đã trở thành một yếu tố tinh tế trong các thiết kế haute couture đương đại, được ưu chuộng bởi những nhà mốt hàng đầu trong đó có Chanel và Christian Dior. Ngoài ra, khi nói tới những đường ly, không thể không nhắc đến nhà thiết kế tiếng tăm người Nhật, Issey Miyake. Những năm 80, ông đã bắt đầu nghiên cứu chuyển động cơ thể, form dáng. Và cũng trong thời điểm này, ông nghiên cứu kỹ thuật xếp ly để tìm khả năng phát triển nó. Khi biên đạo múa ballet William Forsythe hỏi ý kiến Miyake về việc tạo ra phục trang cho vở múa ballet ‘The loss of small detail’, ông đã được truyền cảm hứng để sáng chế ra một loại quần áo xếp ly dễ dàng di chuyển theo chuyển động của cơ thể vũ công.
Trang phục mà Miyake đã thiết kế cho các vũ công Ballet (Nguồn: Issey Miyake: Making Things)
Để tạo ra nó, Miyake sử dụng một loại vật liệu dệt kim mỏng nhẹ mới và áp dụng kỹ thuật xếp ly đột phá gọi là ‘xếp ly trực tiếp trên thành phẩm’ (garment pleating). Điểm khác biệt rõ rệt so với các kỹ thuật trước đây là vật liệu được may thành hình dáng cuối cùng trước khi tiến hành quá trình xếp ly. Sau khi người thợ đã hoàn thiện form dáng của thiết kế, nó sẽ được kẹp giữa hai lớp khuôn giấy washi và đưa vào máy ép nhiệt. Bằng cách này, form dáng và kết cấu của thiết kế được hoàn thiện cùng một lúc, và những đường xếp ly như được ghi vào ‘bộ nhớ’ của chất vải, ít bị tổn hại bởi tác động bên ngoài hơn đáng kể. Không dừng lại ở những đường cong và nếp gấp, Miyake còn đan xen, thử nghiệm chúng với những cấu trúc, hình khối, mở ra một chân trời sáng tạo mới của xếp ly với sự can thiệp của công nghệ.
Nguồn: PLEATS PLEASE ISSEY MIYAKE
Những thử nghiệm và tinh chỉnh đã dẫn đến sự ra đời dòng sản phẩm PLEATS PLEASE ISSEY MIYAKE. Thương hiệu này không chỉ cung cấp số lượng lớn những thiết kế xếp ly lịch lãm, hiện đại mà còn dễ bảo quản và mang đi, phù hợp với cả những chuyến đi chơi và môi trường công sở chuyên nghiệp. Được ra mắt lần đầu vào năm 1998, dòng sản phẩm xếp ly này phát triển dần cho đến khi trở thành một thương hiệu với bộ sưu tập độc lập đầu tiên vào mùa xuân/hè 1994. Theo thời gian, các thiết kế ngày càng nhẹ nhàng và chống nhăn, không cần phải giặt khô, hoàn toàn có thể gấp gọn lại để bỏ vào vali. PLEATS PLEASE đã trở thành một nhân tố không nên bỏ qua trong tủ đồ của bất kỳ người phụ nữ hiện đại nào, và nó đã trở thành biểu tượng phản ánh triết lý sáng tạo nền tảng của Issey Miyake - ‘Thiết kế không phục vụ những triết lý, mà phục vụ đời sống.’
Hình: BST Ready-to-wear Thu 2021 Issey Miyake
Năm 2019, cửa hàng flagship đầu tiên của HOMME PLISSÉ ISSEY MIYAKE khai trương tại Minami-aoyama, Tokyo, được thiết kế bởi Tokojuin Yoshioka. Trong cửa hàng có trưng bày máy xếp ly đặc trưng của thương hiệu ở phía sau để khách hàng có thể tận mắt chứng kiến quá trình ‘điêu khắc’ những đường xếp nếp lên thiết kế. Quy trình được trưng bày tại cửa hàng là một phương pháp nguyên bản do Miyake sáng tạo mang tên ‘seihin pleats’ (Xếp ly thành phẩm). Chiếc máy xếp ly này tuy đã xuất hiện từ những năm 80 nhưng vẫn luôn khiến mọi vị khách tham quan kinh ngạc trước sức mạnh sáng tạo của con người cũng như giá trị lâu đời của xếp ly.
Cỗ máy xếp ly đặt trong cửa hàng flagship của HOMME PLISSÉ ISSEY MIYAKE
Cho đến nay, xếp ly gần như đã trở thành một nhân tố không thể thiếu trong thế giới thời trang. Dior từng tạo ra chiếc váy xếp ly haute couture loại bỏ hoàn toàn những đường khâu mũi chỉ, Iris Van Herpen mô phỏng chuyển động tự nhiên của loài chim trong BST Syntopia với các đường dập ly tạo ra từ máy in 3D còn các thiết kế của Chanel càng thêm phần quý phái và độc đáo với những kết cấu xếp ly mới lạ được trình làng mỗi mùa.